Đại học số

Đại học số là gì?

Nền tảng đại học số: Thực tiễn thế giới và khuyến nghị cho Việt Nam

Một xu thế chung cho sự tồn tại của vạn vật đó là không ngừng thay đổi và thích ứng. Đại học số phải chăng là một sự thay đổi và thích ứng của các mô hình đại học hiện nay.

Nhận thức chung

Thế giới hậu công nghiệp hiện đại thể hiện sự tăng tốc và cải tiến không ngừng của các quá trình công nghệ trong các lĩnh vực khác nhau của đời sống công nghiệp và xã hội. Thực tế kỹ thuật số đã đi vào cuộc sống hiện đại một cách vững chắc với việc sử dụng phổ biến các thiết bị di động, mạng xã hội làm phương tiện giao tiếp chính, cảm biến định vị và điện toán đám mây. Các nhà nghiên cứu về các quá trình biến đổi của xã hội kết luận rằng số hóa có tính chất hệ thống, phức tạp: thực tế số ngày nay nắm bắt mọi lĩnh vực kinh tế, chính trị, truyền thông, đan xen chặt chẽ với các quan hệ xã hội “sống động” truyền thống.

Nhưng thời đại của công nghệ thông tin cùng với những cơ hội và triển vọng to lớn sẽ luôn song song với những khó khăn mới. Các vấn đề toàn cầu (bao gồm cả đại dịch) buộc phải đẩy nhanh đáng kể quá trình đưa các công nghệ kỹ thuật số mới vào quá trình giáo dục, kéo theo sự chuyển đổi không gian giáo dục, nghiên cứu và quản lý của các trường đại học. Thực tế là các nguồn tài nguyên kỹ thuật số, thay đổi bối cảnh giáo dục và công nghệ, đang thay đổi cách dạy học truyền thống, từ việc lựa chọn giáo viên, thời gian làm chủ chương trình giáo dục và kết thúc bằng các hình thức và phương pháp hoạt động sư phạm. Sự phát triển năng lực sáng tạo của sinh viên tốt nghiệp như mục tiêu của quá trình giáo dục ngày nay không chỉ xảy ra trong lớp học, mà ở mức độ lớn hơn là kết quả của quá trình làm việc độc lập lâu dài không được kiểm soát của sinh viên bằng cách sử dụng các công cụ mạng và tài liệu trực tuyến. Các công nghệ mới (thiết bị và cảm biến “thông minh” điện tử, tài nguyên đám mây, v.v.) giúp chúng ta có thể nhìn nhận lại quy trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng hiệu quả giảng dạy. Sử dụng các nền tảng để tạo và sử dụng các khóa học trực tuyến nội bộ và bên ngoài nhằm mở rộng quy mô không gian giáo dục. Tất nhiên, bản chất của những thay đổi sẽ khác nhau về mức độ và độ sâu trong một trường đại học, nhưng có thể tin rằng có một số cách tiếp cận chính xác, chung nhất của chương trình kỹ thuật số và chiến lược chung của các trường đại học cho phép hiện đại hóa định dạng chuyển đổi. Có thể coi đại học số như một bước tiến hiển nhiên và hiệu quả cho sự đổi mới mà các trường đại học có thể triển khai trong xu thế chung của xã hội và thế giới.

Việc xây dựng nền tảng đại học số thực chất là sản phẩm tổng hợp công cuộc chuyển đổi số trong môi trường giáo dục của các trường đại học. Nền tảng số sẽ đúc kết những tiến bộ trong quy trình quản lý, đào tạo, nghiên cứu, hoạt động của nhà trường và từ đó thể hiện ra trên nền tảng tương tác đã được số hóa.

Thực tiễn thế giới

Hiện nay, trên thế giới vẫn chưa có nhiều trường đại học triển khai nền tảng đại học số, bản chất việc xây dựng đại học số sẽ yêu cầu cao hơn về sự phát triển cơ sở dữ liệu, quản lí và tương giác giữa trường với giáo viên, sinh viên. Điều này sẽ tạo ra nhiều ràng buộc hơn và cũng sẽ phải chi nhiều tài chính hơn. Trong các trường đại học hiện nay có nhiều khoa viện, một số trường đại học có mô hình trường con trong trường thì quy mô lại còn lớn hơn. Nếu mỗi viện hay trường con xây dựng một nền tảng MOOC riêng thì sẽ gây dư thừa. Trong khi đó, nếu các đơn vị, khoa viện hay trường con cùng xây dựng chung một nền tảng MOOC thì sẽ mang lại hiệu quả cao nhất. Ví dụ điển hình là trong top 7 nền tảng học trực tuyến năm 2022 thì vẫn có cái tên vốn xuất phát từ các trường đại học danh tiếng như Coursera, EdX, Udacity. Tuy nhiên, hiện nay trên thế giới đã có một số trường đại học xây dựng nền tảng đại học số.

Đại học Cambridge là một điển hình triển khai nền tảng đại học số tại Vương quốc Anh cũng như Châu Âu. Nền tảng đại học số của trường đại học Cambridge cung cấp 4 tính năng chủ yếu cho sinh viên, đó là BlinkLearning, Cambridge One, Cambridge tại nhà và nền tảng giáo viên Cambridge. BlinkLearning giống như một nền tảng tạo dựng để tạo ra mạng lưới học tập trực tuyến cho sinh viên và giảng viên, tất cả sẽ được thực hiện trên ứng dụng di dộng. Sinh viên có thể đăng ký tài khoản, truy cập các lớp trên nền tảng BlinkLearning thông qua ứng dụng di dộng và thêm các tài liệu điện tử vào tài khoản của mình để phục vụ các tiết học trên ứng dụng. Giảng viên có thêm các chức năng như tạo lớp học hoặc liên kết các lớp học trên Google hoặc Microsoft Team, quản lí nội dung trong lớp học của mình, tài liệu được chia sẻ, phương thức trao đổi trong lớp, thiết lập bài tập và chấm điểm. Cambridge One là cổng hỏi đáp, hỗ trợ cho sinh viên, người giám hộ cho sinh viên, giảng viên, quản trị viên và thực hiện thi IELTS. Tất cả sẽ thực hiện qua việc tạo tài khoản và được cấp quyền tương ứng trên cổng Cambirdge One. Cambdrige tại nhà là cổng cung cấp các nguồn và hoạt động tiếng Anh cho học sinh ở độ tuổi đi học, chủ yếu là trẻ sơ sinh và tiểu học. Những nguồn tài liệu đa dạng này sẽ giúp bạn thực hành tiếng Anh cả ở nhà và ngoài trời, với âm thanh, video, trò chơi và các hoạt động khác. Ngoài ra, nếu trung tâm giáo dục khác đang sử dụng sách Cambridge, người dùng có thể đăng ký để truy cập độc quyền vào các tài nguyên kỹ thuật số được liên kết cụ thể với sách của bạn, để tận dụng tối đa. Đối với Cambridge tại nhà, người dùng có thể đăng ký và tạo hồ sơ cá nhân, truy cập các khóa học và sách kỹ thuật số. Nền tảng giáo viên Cambridge là nền tảng mà Cambridge cung cấp độc quyền cho tất cả giáo viên sử dụng các khóa học của trường. Trong đó, giảng viên sẽ tìm thấy các công cụ kỹ thuật số dành cho giáo viên như tài liệu bảng tương tác, bài giảng thử nghiệm và ngân hàng tài nguyên giảng dạy; sách kỹ thuật số; tất cả các tài nguyên có thể tải xuống bổ sung cho mỗi khóa học; tin tức và phát triển liên quan đến việc giảng dạy tiếng Anh.

Gần đây nhất, có thể kể đến nền tảng đại học số của trường Kerala. Kerala là Đại học Khoa học Kỹ thuật số, Đổi mới và Công nghệ hay còn được gọi là đại học kỹ thuật số Kerala (Digital University Kerala - DUK). Tiền thân của trường đại học số Kerala là Viện Quản lý và Công nghệ Thông tin Ấn Độ-Kerala (Indian Institute of Information Technology and Management-Kerala – (IIITM-K)), là một cơ sở giáo dục hàng đầu tự trị do Chính phủ Kerala thành lập vào năm 2000. Sau đó Viện trở thành một tổ chức tự trị phi lợi nhuận được đăng ký theo Mục 8 cũ và Mục 25 Đạo luật Công ty năm 2013 của Chính phủ Kerala. Việc quản lý Viện được trao cho Hội đồng quản trị bao gồm các nhà công nghiệp lỗi lạc, viện sĩ và các quan chức cấp cao của Chính phủ do Chính phủ Kerala bổ nhiệm. Với sự lãnh đạo tuyệt vời của ông KPP Nambiar và các thành viên nổi tiếng như ông FC Kohli, ông V Rajaraman, ông Vijay Bhatkar và ôngTKA Nair, hội đồng cùng có tầm nhìn xa để thành lập IIITM-K như một Công ty, biến IIITM-K trở thành một sự khác biệt, tạo nên một nền văn hóa độc đáo tập trung nhiều hơn vào sự đổi mới. Để hướng Kerala trở thành vai trò lãnh đạo trong nền kinh tế tri thức mới nổi, Chính phủ Kerala đã ban hành sắc lệnh nâng cấp IIITM-K thành “Đại học Khoa học Kỹ thuật số, Đổi mới và Công nghệ Kerala”. Trường được thành lập bởi Chính phủ Kerala vide Ordnance số 9 năm 2020 vào ngày 18 tháng 1 năm 2020 và bắt đầu hoạt động từ khuôn viên mới của IIITM-K ở Technocity. Toàn bộ quy mô của trường được xây dựng, quản trị và giáo dục trên nền tảng đại học số Kerala, nơi có thể đón nhận sinh viên, nghiên cứu sinh, giảng viên và các học giả từ nhiều nơi trên thế giới trong các lĩnh vực như kỹ thuật dữ liệu, máy học, bảo mật dữ liệu, trí tuệ dữ liệu công nghệ blockchain, …

Khuyến nghị cho Việt Nam

Tại Việt Nam, thực chất đã nhiều trường phát triển các cổng thông tin đào tạo E-Learning như đại học Văn Lang, đại học Công nghệ Tp. Hồ Chí Minh, học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông tập trung chủ yếu vào vấn đề giảng dạy trực tuyến. Các mô hình nền tảng đại học số mới ở mức thí điểm, chưa có chủ trương cụ thể hay khung xây dựng phát triển.

Hiện nay trên thế giới, do sự đa dạng về tổ chức, bộ máy vận hành, dòng tiền hoạt động, lĩnh vực đào tạo, sự đa dạng tôn giáo, chính trị, quốc tịch của sinh viên mà mỗi trường xây dựng một hệ thống riêng gồm nhiều thành phần cho đại học số. Tuy nhiên trong bài viết này tôi sẽ đưa ra quan điểm cá nhân về 3 yếu tố chính nhất cho khung phát triển của đại học số, đó chính là sinh viên, giảng viên và hạ tầng.

Khi nhắc đến đại học, chúng ta sẽ mặc định rằng các sinh viên có một mặt bằng chung về khả năng học tập, tư duy, tiếp cận công nghệ, ngoại ngữ. Điều đó có nghĩa là khi xây dựng đại học số, chúng ta nên chỉ ra, phát triển theo những khía cạnh để hoàn thiện hơn cho sinh viên, ví dụ như tư vấn tâm lý, hỗ trợ tài chính, định hướng phát triển. Đối với nhiều sinh viên, lên đại học chính là mở ra cánh cửa tự thân, là sự trải nghiệm và tự ra quyết định độc lập, điều này thì không tránh khỏi việc lệch định hướng đúng của học đại học, hay đi theo một hướng phát triển không phù hợp bản thân, hay bị dẫn dắt sai con đường. Với sứ mệnh của đại học số, nhà trường nên xóa bỏ khoảng cách với sinh viên và mở ra kênh định hướng, tư vấn số cho sinh viên. Việc tư vấn, định hướng điện tử có thể giúp xóa bỏ sự e ngại xấu hổ của sinh viên, đồng thời cũng mở ra mạng lưới trao đổi bình đẳng cho sinh viên hơn, bên cạnh đó, đại học số có thể đi kèm với các số liệu đánh giá thực của sinh viên để có các định hướng đúng, phù hợp và hiệu quả cho sinh viên. Bên cạnh đó, một vấn đề lớn khác cũng vô cùng quan trọng là tài chính. Thực tế rằng để cải thiện chất lượng đào tạo, nhiều trường cũng tăng học phí cao hơn, đây là thách thức của nhiều sinh viên. Với sứ mệnh của đại học số, sinh viên cần tạo một kênh quản lí tài chính hiệu quả. Đối với những sinh viên có hoàn cảnh khó khăn hoặc muốn tự túc trong vấn đề học phí, nhà trường là cầu nối để sinh viên tiếp cận các đơn vị cho vay uy tín, hoặc ngay những trường có lực tài chính vững có thể tạo ra các khoản vay. Kênh quản lí tài chính cùng với cơ sở dữ liệu của sinh viên có thể đánh giá, tạo lập hồ sơ vay uy tín, thông báo các vấn đề tài chính cho sinh viên đúng đủ và hiệu quả. Bên cạnh đó kênh quản lí tài chính cũng có thể cùng với các đơn vị tuyển dụng thực tập kết nối, chia sẻ các vấn đề học phí và nợ của sinh viên. Với kênh quản lí tài chính, sinh viên có môi trường học tập an tâm, an toàn hơn.

Khi nhắc đến đại học, chúng ta sẽ mặc định rằng các giảng viên có một mặt bằng chung về khả năng sư phạm, trình độ chuyên môn, tầm ảnh hưởng. Điều đó có nghĩa là khi xây dựng đại học số, chúng ta nên chỉ ra, phát triển theo những khía cạnh để hỗ trợ, bổ sung cho giảng viên, ví dụ như một mạng lưới thông tin dạy học trực tuyến, thư viện số. Vì đại học số không chỉ là môi trường giảng dạy trực tiếp mà còn kết hợp cả dạy học trực tuyến nên giảng viên cũng khó tiếp cận sinh viên hơn, khó đánh giá khả năng học, hiểu của sinh viên, hiệu quả của bài giảng hơn. Khi điều này kéo dài thì sẽ gây ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả giảng dạy và sự thiếu thiện cảm của sinh viên với giảng viên. Với sứ mệnh của đại học số, một mạng lưới hay cộng đồng thông tin dạy học trực tuyến ra đời, không chỉ sinh viên được lựa chọn giảng viên mà giảng viên cũng có quyền biết và quản lí học sinh trong lớp của mình, giảng viên có thể truy cập cơ sở dữ liệu sinh viên ở mức phù hợp để lựa chọn phương thức giảng dạy, mức độ giảng dạy hiệu quả nhất. Đồng thời mạng lưới này cho phép sinh viên trao đổi kín và riêng với giảng viên dưới sự quản lý của hệ thống trực quan của trường, giảng viên cũng có thể phản hồi, khen ngợi các sinh viên công khai hoặc kín ở mức độ cho phép của giáo dục. Việc đào tạo song song cả trực tiếp và trực tuyến hoặc trực tuyến hoàn toàn ở đại học số sẽ là thách thức lớn với nội dung giảng dạy của các giáo viên. Giáo viên có thể phải biên soạn một nội dung giảng dạy mới khi tiếp nhận môn, lớp mới, phải biên soạn nội dung giảng dạy trực tuyến khác trực tiếp, hay do sự thất lạc về nội dung giảng dạy do các nguyên nhân khác. Với sứ mệnh của đại học số để đạt được sự hiệu quả trong giảng dạy, cần thiết có một thư viện số nơi giảng viên xây dựng, đóng góp và sử dụng các tài liệu giảng dạy. Đây không chỉ là sự kết nối giữa trường học và giảng viên mà còn là sự xây dựng kho tri thức chung cho quốc gia, nhân loại. Các nội dung biên soạn có thể được cả sinh viên đánh giá, góp ý trực tiếp trên thư viện số, các nội dung giảng dạy hay, giá trị cũng sẽ được thư viện số đánh giá, khen thưởng cho giảng viên. Cả thư viện số và mạng lưới thông tin dạy học trực tuyến có thể được ứng dụng sang mảng nghiên cứu đối với giảng viên, giảng viên cũng có thể xây dựng, công bố các nghiên cứu, bài báo trên thư viện số. Giảng viên có thể cho phép hoặc kêu gọi, lựa chọn sinh viên trong mạng lưới tham gia các bài báo nghiên cứu lưu lại sự phối hợp này tại các bài báo, nghiên cứu trong thư viện.

Để đáp ứng sự phát triển của đại học số với giảng viên và sinh viên, cần thiết xây dựng một cơ sở hạ tầng mà cụ thể là cơ sở dữ liệu, mạng viễn thông trong khuôn viên trường. Cụ thể hơn trường cần quản lí mạng lưới thông tin dạy học trực tuyến, quản lí mail nội bộ, quản lí cơ sở dữ liệu giảng viên, sinh viên. Cùng với với đó là các kênh trao đổi trực tuyến như: kênh cố vấn sinh viên, kênh quản trị tài chính. Tất cả những điều này chỉ hoạt động tốt khi cơ sở dữ liệu được xây dựng đúng tầm, đủ để quản trị hệ thống tổng thể, đủ để kết xuất dữ liệu hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thiết xây dựng hệ thống quản trị, quản lý danh tính. Bởi trên hệ thống dạy học trực tuyến, hay ngay cả việc đi học trực tiếp luôn cần có sự giám sát phù hợp, một hệ thống quản trị, quản lý danh tính có thể làm hiệu quả điều đó cũng là để bảo vệ chính các nhân sự, giảng viên, sinh viên của trường.

Kết luận

Qua bài giới thiệu về thực tiễn thế giới với nền tảng đại học số và khuyến nghị cho Việt Nam, có thể hiện nay, trên thế giới cũng mới có rất ít trường đại học phát triển nền tảng đại học số riêng, cũng như Việt Nam thì chưa có mô hình nền tảng đại học số thành công. Tuy nhiên, đây là một trong 35 nền tảng đã được Bộ Thông tin và Truyền thông thúc đẩy trong Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số hay chương trình phát triển nền tảng số quốc gia tại quyết định số 186/QĐ-BTTTT. Đồng thời việc phát triển nền tảng đại học số cũng đã được cụ thể hóa thành nhiệm vụ thí điểm mô hình đại học số tại một số trường đại học theo quyết định số 131/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án "Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030".

Hi vọng thông qua bài viết này, Việt Nam sẽ có nhiều hơn mô hình thành công trong việc triển khai nền tảng đại học số. Từ đó, là bàn đạp thúc đẩy giáo dục Việt Nam, thúc đẩy nguồn nhân lực số vượt trội cho Việt Nam.

Trần Quốc Tuấn (Nguồn https://aita.gov.vn/)

5 cơ sở đào tạo tại Việt Nam sẽ thí điểm thực hiện mô hình giáo dục đại học số, mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến.

Tại tọa đàm Xây dựng mô hình giáo dục đại học số tại Việt Nam, hôm nay (25/3), lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, hiện nay, đề án Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số có 5 cơ sở đào tạo tham gia.

Theo Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn, Bộ GD-ĐT sẽ chủ trì thực hiện, phối hợp cùng các bộ ngành khác và các trường xây dựng nền tảng khóa học trực tuyến mở dùng chung VN-MOOC, hỗ trợ cơ sở đào tạo hạ tầng thực hiện chuyển đổi số; thiết kế và triển khai xây dựng học liệu số và khóa học trực tuyến; phát triển mô hình học tập kết hợp (blended learning) và bảo đảm chất lượng đào tạo trực tuyến.

ĐH Quốc gia TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp với ĐH Quốc gia Hà Nội, ĐH Bách khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách khoa - ĐH Đà Nẵng, HV Công nghệ bưu chính viễn thông, xây dựng đề án đào tạo nhân lực số.

ĐH Bách khoa Hà Nội chủ trì xây dựng đề án triển khai thí điểm mô hình giáo dục đại học số, xây dựng chuẩn chương trình đào tạo khối ngành máy tính và công nghệ thông tin.

Đề án Thí điểm triển khai mô hình giáo dục đại học số đặt ra mục tiêu xây dựng được 100 khóa học trực tuyến với số sinh viên dự kiến tham gia học tập trên hệ thống MOOCs dùng chung khoảng 10.000 sinh viên.

Theo số liệu được đưa ra tại tọa đàm, Ngân hàng Thế giới (World Bank) dự toán năm 2023 doanh thu từ giáo dục số đạt mức 166 tỉ USD, trong đó chiếm tỉ trọng lớn nhất là giáo dục đại học số với 103,8 tỉ USD (62,5%). Ước tính doanh thu sẽ tiếp tục tăng 9,4% mỗi năm cho tới năm 2027. Phần lớn doanh thu tới từ các hoạt động giáo dục số tại Mỹ: ước đạt 74,8 tỉ USD (45%).

Tại Mỹ, tổng đầu tư mạo hiểm cho giáo dục số tăng 6 lần trong giai đoạn 2017-2021, từ 1,3 lên 8,3 tỉ USD. Số start-up kỳ lân về công nghệ giáo dục tăng 3 lần về số lượng và tổng giá trị trong 3 năm 2019-2021.

Chuyển đổi số tiết kiệm chi phí cho người học đại học

Tại hội thảo khoa học quốc tế “Chuyển đổi số trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0”, các chuyên gia nhận định hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, thậm chí là vấn đề sống còn.

Hội thảo do Trường ĐH Thương mại phối hợp với Học viện Viettel, Trường ĐH Khoa học Ứng dụng IMC Krems (Áo) đồng tổ chức ngày 29/9 với sự tham gia của hơn 200 nhà hoạch định chính sách, chuyên gia, nhà khoa học, giảng viên, nghiên cứu sinh đến từ các cơ quan nhà nước, các trường đại học và viện nghiên cứu trong và ngoài nước.

Hội thảo nhằm tạo lập diễn đàn trao đổi học thuật, chia sẻ tri thức từ các nghiên cứu của các học giả trong nước và quốc tế về vấn đề chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, giáo dục... với các báo cáo như: Nghiên cứu các yếu tố tác động đến chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học tại Việt Nam; Nâng cao chất lượng đào tạo trực tuyến tại các trường đại học.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng hiện nay, chuyển đổi số được xem là xu hướng tất yếu, là vấn đề sống còn đối với các quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân trên toàn thế giới.

Đặc biệt, giai đoạn vừa qua, cách mạng công nghiệp 4.0 và đại dịch Covid-19 đã minh chứng những tác động quan trọng của chuyển đổi số đến hoạt động kinh tế - xã hội nói chung và đến hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp nói riêng.

Bà Nguyễn Thị Bích Loan, Phó hiệu trưởng Trường ĐH Thương mại, nhìn nhận trong lĩnh vực giáo dục, chuyển đổi số đã tạo nên nhiều bước ngoặt phát triển, mở ra nhiều phương thức giáo dục mới thông minh, hiệu quả hơn và đồng thời tiết kiệm chi phí cho người học…

Đại diện Trường ĐH Thương mại bày tỏ mong muốn và tin tưởng, sau hội thảo, các nhà hoạch định chính sách và quản lý nhà nước, các nhà khoa học sẽ bổ sung thêm được những luận cứ khoa học và thực tiễn toàn diện và xác đáng hơn, góp phần thúc đẩy phát triển hoạt động chuyển đổi số trong các lĩnh vực kinh tế, kinh doanh và quản lý, giáo dục... tại Việt Nam.

Đồng thời, thông qua việc kết nối các chuyên gia, học giả, người học và doanh nghiệp trong nước và quốc tế sẽ góp phần thúc đẩy quá trình đổi mới, phát triển và nâng cao chất lượng đào tạo về kinh tế và kinh doanh ở các cơ sở giáo dục đại học.

Last updated